Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Bộ đề thi tiếng việt lớp 5 của các trường nổi tiếng

PHẦN KIỂM TRA ĐỌC:
I. ĐỌC THÀNH TIẾNG (5 điểm)                                              
    (Kiểm tra trong các tiết ôn tập tuần 35)
II. ĐỌC HIỂU (5 điểm) - Thời gian: 30 phút
            Đọc thầm bài văn sau:
                                  Mùa thảo quả
        Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa.
      Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn.
       Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kỳ lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.
       Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
Rừng say ngây và ấm nóng. Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.
                                                                                            ( Ma Văn Kháng )
        
                 Dựa vào bài đọc, hãy khoanh vào câu trả lời đúng nhất:
Câu 1: Thảo quả là loại cây như thế nào?
  1. Loại cây thân gỗ, quả hình bầu dục, lúc chín màu vàng, dùng làm thuốc hoặc gia vị.
  2. Loại cây thân cỏ, quả tròn, màu đỏ, để ăn hoặc làm gia vị.
  3. Loại cây thân cỏ, quả hình bầu dục, lúc chín màu đỏ, mùi thơm ngào ngạt, dùng làm thuốc hoặc gia vị.
Câu 2: Thảo quả có ở vùng nào?
  1. Ở một số cánh rừng Tây Nguyên.
  2. Ở một số vùng đất thuộc các tỉnh đồng bằng hoặc trung du.
  3. Ở một số vùng đất tỉnh Lào Cai (miền núi phía bắc).
Câu 3: Vào mùa thảo quả, thôn xóm có gì đặc biệt?
  1. Màu thảo quả dưới gốc cây đỏ chon chót.
  2. Gió, cây cỏ, đất trời, thôn xóm, con người đều đượm hương thơm của thảo quả.
  3. Thời tiết có sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông.
Câu 4: Hoa thảo quả có gì đặc biệt?
  1. Màu đỏ chon chót nảy từ kẽ lá, ngọn cây.
  2. Hoa nảy dưới gốc cây, đỏ chót, thơm lựng.
  3. Hoa nảy dưới gốc cây, kín đáo, lặng lẽ.
Câu 5: Ý chính của bài văn là gì?
  1. Miêu tả rừng thảo quả vào mùa hoa.
  2. Lòng say mê, xúc động của tác giả trước vẻ đẹp, sự sinh sôi, mùi thơm đặc biệt của thảo quả.
  3. Miêu tả thảo quả từ khi ra hoa cho đến khi trái chín
Câu 6: Các từ ngữ: ngây ngất, rừng ngập hương thơm, rừng say ngây và ấm   nóng cho biết điều gì?
  1. Hương thơm của thảo quả thoang thoảng nhẹ nhàng.
  2. Hương thơm của thảo quả bay khắp khu rừng.
  3. Hương thơm của thảo quả đậm đến  mức làm cho người ta như có cảm giác say.
Câu 7: Cách lặp từ ngữ “Gió thơm, cây cỏ thơm, đất trời thơm” có tác dụng gì?
  1. Nhấn mạnh mùi thơm của thảo quả tràn ngập cảnh vật, đất trời.
  2. Nhấn mạnh gió, cây cỏ, đất trời.
  3. Nhấn mạnh và liệt kê những thứ có mùi thơm.
Câu 8: Từ “lấn chiếm”trong câu: “ Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.” Thuộc từ loại nào?
  1. Danh từ
  2. Động từ
  3. Tính từ
Câu 9: Đoạn “Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm …   như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng” có mấy câu ghép?
  1. Một câu. Đó là câu……………………………………………………………
  2. Hai câu. Đó là:………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………….
  1. Ba câu. Đó là:…………………………………………………………………
………………………………………………………………………………….
Câu 10: Dấu phẩy trong câu: “Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ.” có tác dụng gì?
A. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
B. Ngăn cách các  bộ phận cùng chức vụ trong câu.
C. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ, vị ngữ trong câu.

Đề thi tiếng việt lớp 5 : Mẫu số 2


ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5
CUỐI HỌC KÌ II – NĂM HỌC 2012-2013
-----------------
II. Đọc thầm và làm bài tập ( 5 điểm ) thời gian 30 phút.
 
HAI BỆNH NHÂN TRONG BỆNH VIỆN

Hai người đàn ông lớn tuổi đều bị ốm nặng và cùng nằm trong một phòng của bệnh viện. Họ không được phép ra khỏi phòng của mình. Một trong hai người được bố trí nằm trên chiếc giường cạnh cửa sổ. Còn người kia phải nằm suốt ngày trên chiếc giường ở góc phía trong.
Một buổi chiều, người nằm trên giường cạnh cửa sổ được ngồi dậy. Ông ấy miêu tả cho người bạn cùng phòng kia nghe tất cả những gì ông thấy ở bên ngoài cửa sổ. Người nằm trên giường kia cảm thấy rất vui vì những gì đã nghe được: ngoài đó là một công viên, có hồ cá, có trẻ con chèo thuyền, có thật nhiều hoa và cây, có những đôi vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo mát quanh hồ.
Khi người nằm cạnh cửa sổ miêu tả thì người kia thường nhắm mắt và hình dung ra cảnh tượng tuyệt vời bên ngoài. Ông cảm thấy mình đang chứng kiến những cảnh đó qua lời kể sinh động của người bạn cùng phòng.
Nhưng rồi đến một hôm, ông nằm bên cửa sổ bất động. Các cô y tá với vẻ mặt buồn đến đưa đi và ông ta qua đời. Người bệnh nằm ở phía giường trong đề nghị cô y tá chuyển ông ra nằm ở giường cạnh cửa sổ. Cô y tá đồng ý. Ông chậm chạp chống tay để ngồi lên. Ông nhìn ra cửa sổ ngoài phòng bệnh. Nhưng ngoài đó chỉ là một bức tường chắn.
Ông ta gọi cô y tá và hỏi tại sao người bệnh nằm ở giường này lại miêu tả cảnh đẹp đến thế. Cô y tá đáp:
- Thưa bác, ông ấy bị mù. Thậm chí cái bức tường chắn kia, ông ấy cũng chẳng nhìn thấy. Có thể ông ấy chỉ muốn làm cho bác vui thôi !
Theo NVD
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:
  1. Vì sao hai người đàn ông nằm viện không được phép ra khỏi phòng ?
           a. Vì ra khỏi phòng thì bệnh sẽ nặng thêm.
           b. Vì cả hai người đều cao tuổi và bị ốm nặng.
           c. Vì cả hai người đều bị mắc bệnh rất nặng.
   2. Người nằm trên giường cạnh cửa sổ miêu tả cho người bạn cùng phòng thấy được cuộc sống bên ngoài như thế nào?
           a. Cuộc sống thật nhộn nhịp, tấp nập.
           b. Cuộc sống thật ồn ào, náo nhiệt.
           c. Cuộc sống thật vui vẻ, thanh bình.
   3. Vì sao qua lời miêu tả của bạn, người bệnh nằm giường phía trong thường nhắm hai mắt lại và cảm thấy rất vui?
           a. Vì ông cảm thấy như đang chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời bên ngoài.
           b. Vì ông được nghe giọng nói dịu dàng, tràn đầy tình cảm của bạn.
           c. Vì ông được nghe những lời văn miêu tả bằng từ ngữ rất sinh động.
   4. Khi được chuyển ra nằm gần cửa sổ, người bệnh nằm giường phía trong thấy ngạc nhiên về điều gì?
        a. Ngoài cửa sổ chỉ là một bức tường chắn, không có gì khác.
        b. Cảnh tượng bên ngoài không đẹp như lời người bạn miêu tả.
        c. Ngoài cửa sổ chỉ là khoảng đất trống không có bóng người.
   5. Dòng nào dưới đây nói đúng nhất về tính cách của người bị bệnh mù trong câu chuyện?
       a. Thích tưởng tượng bay bổng, có tâm hồn bao la rộng mở.
       b. Yêu quý bạn, muốn đem niềm vui đến cho bạn cùng phòng.
       c. Lạc quan yêu đời, muốn đem niềm vui đến cho người khác.
   6. Câu thứ ba của đoạn 2 ( Người nằm trên giường kia ... dạo mát quanh hồ.) là câu ghép có các vế câu được nối theo cách nào ?
       a. Nối trực tiếp ( không dùng từ nối ).
       b. Nối bằng một cặp quan hệ từ.
       c. Nối bằng một quan hệ từ.
   7. Từ “nhìn” trong câu (Ông nhìn ra cửa sổ ngoài phòng bệnh.) thuộc từ loại ?
          a. Tính từ.
          b. Danh từ
c. Động từ .
    8. Dòng nào dưới đây gồm các từ đồng nghĩa với từ tuyệt vời ?
       a. Tuyệt diệu, tuyệt trần, tuyệt tác
       b. Tuyệt mĩ, tuyệt diệu, kì lạ.
       c. Tuyệt trần, tuyệt diệu, đẹp đẽ
  9. Từ “vui” trong câu (Ông ấy chỉ muốn làm cho bác vui thôi !) thuộc từ loại ?
          a. Tính từ.
          b. Danh từ
c. Động từ .
  10. Cấu tạo câu đơn gồm ?
        a. Do một cụm chủ ngữ tạo thành.
        b. Do một cụm vị ngữ tạo thành.
        c. Do một cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét